Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là một bệnh lý không quá nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người. Song, cũng chính vì lý do đó mà nhiều người tỏ ra chủ quan khiến tình trạng ngày càng trầm trọng hơn và đặc biệt là có thể gây ra biến chứng khôn lường. Cần nắm rõ các thông tin như nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị để có phương án chữa kịp thời.
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là gì?
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái được hiểu là tình trạng viêm hay kích ứng các túi có chứa chất lỏng quanh khu vực khớp rồi gây đau nhức, sưng đỏ. Từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận động của ngón chân. Bệnh lý này hoàn toàn có thể xuất hiện ở một số các vị trí khác như khớp vai, ngón tay, hông, đầu gối…
Dấu hiệu của viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Khi mắc phải viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, thông thường phần mô hay xương sẽ bị lệch khỏi vị trí ban đầu nên người bệnh rất dễ thấy. Cụ thể, hình dạng ngón chân có sự thay đổi, nghiêng về phía bên ngón chân khác. Bên cạnh đó, bệnh lý này còn gây ra một số các triệu chứng khác như:
Ngón chân cái có biểu hiện sưng đỏ, phồng xung quanh.
Ngón chân cái bị cứng khớp, khó cử động và di chuyển cũng khó khăn hơn.
Đau nhức các khớp, tình trạng tăng lên khi vận động hoặc nặng hơn khi ấn vào hay đi giày.
>>> Xem thêm: Mẹo chữa u bao hoạt dịch khớp cổ tay hiệu quả không thể bỏ qua
Nguyên nhân viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Có rất nhiều các nguyên nhân khiến cho viêm bao hoạt dịch ngón chân cái xuất hiện. Không chỉ liên quan đến bệnh lý, chấn thương, thậm chí là còn có yếu tố bẩm sinh.
Bàn chân bẹt
Bàn chân bẹt là tình trạng mà bàn chân bằng phẳng, không có độ vòm tự nhiên khiến dáng đi không được đều, khó vận động. Nếu như không được điều trị kịp thời sẽ gây ra việc cấu trúc bàn chân trở nên bất thường, đẩy ngón cái về phía bên cạnh và xuất hiện viêm bao hoạt dịch, viêm gan chân…
Mô liên kết bàn chân yếu
Nếu như các mô liên kết sợi hay còn gọi là dây chằng tại bàn chân quá yếu sẽ khiến cho chiều cao của vòm chân giảm đi hay thậm chí là sụt vòm. Qua đó, lúc di chuyển, trọng lực sẽ đè nặng lên ngón chân cái và gây ra tình trạng hoạt dịch quanh khớp bị tổn thương.
Hoạt động quá nhiều
Những người có công việc nặng nhọc lại phải làm đi làm lại nhiều lần sẽ khiến cho bao hoạt dịch quanh khớp ngón chân bị tổn thương. Về lâu dài, nó sẽ gây ra tình trạng dễ nhạy cảm và viêm.
Chấn thương
Các chấn thương nặng như té ngã, tai nạn có tác động mạnh đến ngón chân cái khiến cho bao hoạt dịch bị ảnh hưởng. Từ đó, xuất hiện tình trạng đau nhức, bầm tím và thậm chí là cả viêm, sưng.
Biến chứng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Viêm bao hoạt dịch cấp tính nếu không được điều trị kịp thời, lâu dần sẽ trở thành mãn tính. Bệnh lý này sẽ khiến cho chức năng của bao hoạt dịch bị suy giảm, gân, dây chằng và bàn chân cũng yếu dần đi. Bên cạnh đó, biên độ ngón chân bị cũng sẽ bị giảm, gây cứng khớp, chức năng sụn khớp gặp nhiều vấn đề do dịch khớp không đủ để nuôi sụn.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái sẽ cần phải đi khám ngay lập tức nếu như bạn có các biểu hiện như: Đau và cứng khớp khiến bản thân không thể vận động, tình trạng đau kéo dài hơn 2 tuần không giảm, sưng, bầm tím, phát ban hoặc sốt cao.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, thông thường bác sĩ sẽ tiến hành bằng 2 phương pháp như sau.
Khám lâm sàng
Người bệnh sẽ được thăm hỏi về thói quen sinh hoạt, công việc lặp đi lặp lại có hay không và các bộ môn thể thao hay chơi. Từ đó, bác sĩ sẽ phần nào nắm được tình trạng viêm bao hoạt dịch của bệnh nhân.
Xét nghiệm hình ảnh
Áp dụng phương pháp chụp X-quang với mục đích là loại bỏ các nguyên nhân gây đau như gãy xương hay gai xương…
Chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp vi tính (CT) với mục đích là đánh giá mức độ viên và lượng tích tụ bên trong đó nhờ hình ảnh cắt ngang của xương. Từ đó, phân biệt được tình trạng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái hay viêm khớp và u xương.
Thực hiện xét nghiệm máu, dịch khớp để xác định các nguyên nhân gây viêm do yếu tố dạng thấp, tiểu đường hoặc nhiễm trùng. Qua đó, giúp bác sĩ đánh giá và tránh nhầm lẫn với các bệnh lý như thoái hóa khớp, thấp khớp.
>>> Xem thêm: Đau lòng bàn chân là bệnh gì? nguyên nhân và các vị trí đau thường gặp
Cách chữa viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái như thế nào còn phải tùy vào từng tình trạng cụ thể. Trường hợp nhẹ có thể sử dụng đế chỉnh hình chuyên dụng, nặng hơn là dùng thuốc hoặc cuối cùng là phẫu thuật.
Sử dụng đế chỉnh hình chuyên dụng
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái do bàn chân bẹt gây ra thì việc áp dụng đế chỉnh hình có tác dụng tốt để khôi phục độ cong sinh lý hõm chân. Để hiệu quả cao hơn, mỗi người sẽ cần có đế chỉnh hình vừa vặn với bàn chân của mình. Tốt hơn hết là nên thăm khám và đến các cơ sở y tế để được tư vấn về lựa chọn phù hợp.
Dùng thuốc
Các loại thuốc như kháng sinh, giảm đau paracetamol hay tylenol và cả thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, naproxen, mobic…) hoàn toàn có thể dùng cho viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Tuy nhiên, để an toàn và hiệu quả cần có chỉ định từ bác sĩ và tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh hệ quả đáng tiếc.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là một phương án cuối cùng cho điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái khi chữa nội khoa không hiệu quả. Hoặc trong tình trạng mà ngón chân cái bị tổn thương nghiêm trọng. Phẫu thuật vẫn có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro khác như xuất huyết, nhiễm trùng, cục máu đông hoặc tái phát hậu phẫu.
Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch ngón chân cái
Để làm hạn chế tình trạng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái xảy ra thì tốt nhất nên có biện pháp phòng tránh từ sớm. Đa phần, đều đến từ các thói quen sinh hoạt lẫn công việc hằng ngày.
Trong công việc, không nên lao động quá sức đặc biệt là mang vác các vật nặng nề khiến áp lực đè nặng nên ngón chân cái. Nên hạn chế đứng lâu, ngồi nhiều và cần có thời gian nghỉ giữa giờ để cơ xương khớp có thể phục hồi trở lại.
Thường xuyên tập luyện thể dục hằng ngày để xơ, xương và gân được hoạt động, dẻo dai và tăng cường sức mạnh. Song, trước khi thực hiện các bài tập nên có thời gian để khởi động nhằm làm nóng cơ thể. Qua đó, giảm các chấn thương trong quá trình luyện tập.
Cần có một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung vitamin, khoáng chất và hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, cần kiểm soát các bệnh lý như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp… có ảnh hưởng đến bao hoạt dịch. Ngoài ra, cũng hạn chế đi giày cao gót khiến áp lực dồn về ngón chân cái, đeo giày cần phù hợp với kích thước bàn chân.
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái mặc dù không nguy hiểm, song cũng cần phải điều trị kịp thời để không bị phiền toái mỗi ngày. Qua bài viết này của phòng khám chiropractic ICCARE, chắc chắn bạn sẽ tự nhận biết được các dấu hiệu của viêm bao hoạt dịch. Từ đó, chủ động thăm khám, kiểm tra để có phương án khắc phục sớm.
>>> Xem thêm: Bàn chân bẹt là gì? Tìm hiểu hội chứng bàn chân bẹt từ A-Z